Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search







bếp điện từ



bếp từ đôi
 

Chi tiết tin

Những dấu ấn nổi bật của đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Liên khu ủy 5 tại căn cứ Liên khu ủy Ban Quân sự Khu 5-Nước Là giai đoạn 1959-1964

Lượt xem: 954

Trà My (nay là huyện Bắc Trà My và huyện Nam Trà My) là huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam. Với vị thế tựa lưng vào dãy Trường Sơn, lại nằm ở vùng tiếp giáp giữa đồng bằng Quảng Nam, Quảng Ngãi và vùng núi Kon Tum. Trà My có địa hình rừng núi hiểm trở, nhiều sông suối chằng chịt, nước chảy xiếc như sông Tranh, sông Trường, sông Nước Vin, sông Nước Oa... Vì vậy, trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhất là từ năm 1959 đến năm 1973, cơ quan Liên Khu ủy, Khu uỷ và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 nhiều lần chọn Trà My làm nơi đứng chân. Đặc biệt, sau Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), để đáp ứng nhiệm vụ cách mạng theo yêu cầu, nhiệm vụ mới, cuối năm 1959 đến năm 1964, cơ quan Liên Khu ủy 5 chuyển từ Bến Hiên, Bến Giằng (nay thuộc các huyện Đông Giang, Nam Giang và Tây Giang) về đứng chân tại Nước Là (với tên gọi là Mật khu Đỗ Xá), phía tây huyện Trà My, bên dòng sông Nước Là, nay thuộc xã Trà Mai, huyện Nam Trà My.




Đồng chí Võ Chí Công - Bí thư Khu ủy 5 tại Căn cứ Nước Là

Trong thời gian cơ quan Liên khu ủy 5 đứng chân từ 1959-1964, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Liên khu ủy 5, Nước Là đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng: Là nơi Liên Khu ủy triển khai thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương Đảng, chuyển hướng cuộc kháng chiến của nhân dân Liên khu 5 sang giai đoạn mới - giai đoạn đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang. Là nơi tiếp nhận cán bộ từ miền Bắc vào để chi viện cho chiến trường miền Nam. Là nơi thành lập Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và các cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần của Quân khu. Đặc biệt, tại căn cứ Nước Là, Liên Khu ủy, Khu ủy 5 đã lãnh đạo quân và dân đánh bại ba cuộc hành quân của Mỹ, ngụy, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não của Khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu.

Với tầm nhìn chiến lược về quân sự, chính trị, đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Liên khu ủy 5 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá về việc lựa chọn Nước Là làm căn cứ đứng chân của Liên Khu ủy 5, giai đoạn 1959-1964.

Thứ nhất, vị trí chiến lược, sở dĩ Trà My được chọn nơi dừng chân của cơ quan Liên Khu ủy giai đoạn 1959 - 1964, giai đoạn ác liệt nhất với luật 10/59 của Ngô Đình Diệm, chính sách “Tố cộng”, “diệt cộng”  vì đây là vùng đất có vị trí chiến lược “tiến có thể đánh, lùi có thể thủ”. Từ Trà My, Liên Khu ủy dễ dàng chỉ đạo phong trào cách mạng trên toàn địa bàn, cả cánh bắc gồm Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị và các tỉnh cánh nam, vào tận Khánh Hòa, Tây Nguyên. Vì vậy, Trà My có thể xem là “thủ đô kháng chiến” của Khu 5 trong suốt những năm chống Mỹ cứu nước.

Thực tế cho thấy, ngay sau khi chuyển vào Trà My, Liên khu ủy đã chỉ đạo một cách nhanh chóng và hiệu quả phong trào cách mạng trên địa bàn toàn liên khu. Ngày 10/9/1960, Thường vụ Liên Khu ủy ra chỉ thị đẩy mạnh phong trào cách mạng trên toàn khu: “ …yêu cầu là phát động phá thế kìm kẹp; mở rộng căn cứ miền núi, phát triển cơ sở vùng giáp ranh; đẩy mạnh hoạt động xuống đồng bằng”. Để rút kinh nghiệm chỉ đạo trên toàn địa bàn, Liên Khu ủy chọn vùng trọng điểm, gồm 4 huyện đồng bằng: Tiên Phước, Tam Kỳ (Quảng Nam), Bình Sơn, Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) và 2 huyện miền núi: Trà My (Quảng Nam), Trà Bồng (Quảng Ngãi), mang mật danh 32A. Điểm đầu tiên là giải phóng thôn Tứ Mỹ, xã Kỳ Sanh, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam ngày 31/8/1961. Sau đó, giành thắng lợi ở một số xã của huyện Tam Kỳ và các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Tiếp theo là chiến dịch vượt sông Tiên giải phóng Lãnh - Ngọc - Hiệp (nay là các xã Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Hiệp), Sơn - Cẩm - Hà (nay là các xã Tiên Sơn, Tiên Cẩm, Tiên Hà) thuộc huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam. Các địa phương này đều nằm giáp ranh với Trà My- nơi căn cứ Liên Khu ủy. Trong một thời gian ngắn, phong trào cách mạng ở các tỉnh Tây Nguyên và miền núi các tỉnh đồng bằng đã có bước phát triển mạnh mẽ. Ta tấn công tiêu diệt và bức rút 55 cứ diểm trong đó có những cứ điểm quan trọng như Măng Đen, Đăk Tô ở Kon tum, Kanak, quận lỵ Lệ Thanh ở Gia Lai, quận lỵ Hiệp Đức, Bốt Xit ở Quảng Nam, cứ diểm vĩnh Thạnh ở bình Định… tiêu diệt 40 trung đội địch, phần lớn là bảo an, thu trên 400 súng các loại, phá các khu tập trung, giải phóng hơn 2 vạn dân.

Thứ hai, về địa hình, chọn Trà My làm căn cứ cũng đảm bảo an toàn cho cơ quan đầu não của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở khu 5. Bởi Trà My là một vùng núi non rất hiểm trở, nằm giáp ranh giữa ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Kon Tum… gây nhiều khó khăn cho cơ động binh lực, các loại vũ khí trang bị lớn, các phương tiện cơ giới để phục vụ tác chiến trên các hướng, nhưng thuận lợi cho việc phân tán che giấu lực lượng, giảm sát thương, bảo đảm yếu tố bí mật bất ngờ cho các hoạt động quân sự. “Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, địa hình thuận lợi cho ta di chuyển tránh địch “bủa lưới phóng lao”, hạn chế được sức mạnh hoả lực của địch, đồng thời ta phát triển chiến tranh du kích, bố phòng bằng các loại vũ khí tự tạo (chông, thò, bẫy đá, mang cung, nỏ…), tổ chức đánh bộ binh địch lùng sục trong căn cứ. Về giá trị quân sự, đây là khu vực tiến có thể đánh, lui có thể giữ - rất thuận lợi cho ta phát triển lên Tây Nguyên cũng như thọc sâu xuống nông thôn đồng bằng ven biển.

Rừng Trà My có nhiều loại động vật, phong phú, đa dạng về chủng loài.  Khu vực Trà My còn có hệ thống sông ngòi dày đặc, độ dốc cao, nước chảy xiết, không những thuận lợi cho quốc phòng, nơi đây còn có nhiều loại cá, cua, ếch; đặc sản có các loại như cá chính, cá chiên, cá niên, cá măng, cá leo… rất thơm ngon… Đó là điều kiện thuận lợi để đồng bào các dân tộc huyện Trà My, các lực lượng cách mạng xây dựng, phát triển kinh tế, bảo đảm hậu cần cho các hoạt động ở căn cứ địa cách mạng.

Thứ ba, về lòng dân, đồng bào các dân tộc miền núi các tỉnh Liên khu 5 giàu truyền thống yêu nước, hết lòng hết sức giúp đỡ, che chở cho các lực lượng cách mạng. Núi rừng trùng điệp và lòng dân kiên trung cách mạng đã khiến các mưu toan của địch đều trở thành những cuộc hành quân phiêu lưu, mạo hiểm. Bằng chứng là liên tục trong các năm 1962, 1963 địch 3 lần đổ quân bằng trực thăng của địch xuống căn cứ Nước Là. Nổi bật nhất là cuộc hành quân tiến công vào căn cứ Đỗ Xá (mật danh của căn cứ Liên Khu ủy 5) của 3 sư đoàn địch, gồm sư 2, sư 22 và 25 cùng 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến do đích thân tướng Nguyễn Khánh - Tư lệnh vùng 2 chiến thuật chỉ huy từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5/1963. Quân địch chia làm nhiều mũi, từ Kon Tum, Quảng Ngãi sang, từ Bắc Trà My lên, đồng thời đổ quân bằng trực thăng xuống Nước Xa, điểm giáp ranh hai huyện Nam, Bắc Trà My hòng kẹp chặc cơ quan đầu não của Khu 5 và tiêu diệt. Tuy nhiên các mũi tiến công của địch đều bị quân dân 3 tỉnh và quân chủ lực của khu chặn đánh và gây nhiều thiệt hại, phải kết thúc cuộc phiêu lưu vào ngày 15/5/1963. Sau trận này, địch không tổ chức được một cuộc tấn công lớn nào nữa vào căn cứ khu ủy mà chỉ dùng máy bay ném bom, bắn phá.

Có thể khẳng định rằng, để tồn tại, lãnh đạo cách mạng, yếu tố nhân dân là yếu tố quyết định. Lực lượng cách mạng phải sống trong lòng nhân dân, không thể tách rời quân với dân; lực lượng vũ trang cách mạng không thể chiến đấu và chiến thắng lực lượng lớn quân địch được trang bị hiện đại nếu không có quân chúng nhân dân che chở, giúp đỡ. Với điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hòa, căn cứ Liên Khu ủy 5 tại Nước Là đã được bảo vệ an toàn suốt những năm tháng đạn bom khốc liệt, tại Nước Là, Liên Khu ủy 5 đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn khó khăn ác liệt (1959-1964).

Với vị trí và ý nghĩa lịch sử đó, căn cứ Nước Là đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng công nhận là Di tích Quốc gia tại Quyết định số 60/2008/QĐ-BVHTTDL, ngày 24/7/2008.

Đối với huyện Nam Trà My hình ảnh của đồng chí Võ Chí Công đã in đậm đối với đồng bào các dân tộc trong huyện, mặc dù từ năm 1965 khu ủy 5 đã chuyển về Nước Oa- Bắc Trà My, nhưng bà con vẫn bảo vệ nghiêm ngặt khu Căn cứ với hơn 30 ha rừng nguyên sinh bà con hay gọi Khu căn cứ với cái tên thân thương là “Rừng bác Năm Công”. Năm 2018 huyện Nam Trà My đã tiến hành phục dựng khu di tích nơi sống và làm việc của khu ủy và Nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Trà My và là điểm tham quan, du lịch của địa phương.



Tác giả: Sông Tranh


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: