Select the search type
 
  • Site
  • Web
Search







bếp điện từ



bếp từ đôi
 

Chi tiết tin

BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA CỦA CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ HUYỆN NAM TRÀ MY GẮN VỚI PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI BỀN VỮNG

Lượt xem: 734

Nam Trà My là huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, diện tích tự nhiên là 82.546,04 ha, dân số hơn là 31.000 người với 97% là dân tộc thiểu số. Trong đó dân tộc Ca Dong chiếm 53,54 %, Xê Đăng chiếm 35,20 %, M’Hnoong chiếm 7,53 %, Cor chiếm 0,1%, dân tộc Kinh chiếm 4,3 %, dân tộc khác chiếm 0,06%. Mật độ dân số khoảng 31 người/km2. Tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao năm 2021: là 4.330 hộ chiếm 54,7% số hộ dân cư; hộ cận nghèo 147 hộ chiếm 1,86% số hộ dân cư.


Trong quá trình hình thành và phát triển, các tộc người Xơ Đăng, Ca Dong, B’hnoong sống ở vùng cao Trà My, quanh đỉnh Ngọc Linh đã hình thành những giá trị văn hóa vừa phong phú, đa dạng, đặc sắc, mang đậm dấu ấn của vùng đất, con người nơi đây. Tính đa dạng và độc đáo thể hiện ở những ngôi nhà truyền thống; những bộ váy áo thổ cẩm, trang sức; những kho tàng văn học dân gian, những làn điệu dân ca; các lễ hội truyền thống... Gắn với lễ hội là giá trị ẩm thực truyền thống của đồng bào, như: xôi nếp, cơm lam, thịt nướng, rượu cần....; nghệ thuật kiến trúc, tạo hình ở các nhà làng truyền thống,...




Một nét văn hóa của người Ca dong 

Với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng trong đời sống của Nhân dân, các giá trị truyền thống, văn hóa, những nét đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Nam Trà My ngày càng mai mọt, biến tướng; ngôn ngữ chữ viết, một dạng thức đặc biệt của văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số bị thu hẹp, có lúc bị lãng quên; nhà làng truyền thống đang mất dần, hoặc nếu phục hồi thì có xu hướng biến dạng về hình thức; trang phục - trang sức, ẩm thực, lễ hội truyền thống, nghệ thuật dân gian, tập quán xã hội... cũng theo đó hoặc bị mất mát, thất truyền hoặc bị biến dạng; đặc biệt các thế hệ nghệ nhân gắn với nghề dệt thổ cẩm, điêu khắc, văn nghệ dân gian, nghệ nhân nắm giữ những tri thức bản địa đang ngày càng vắng bóng.

Đứng trước những thách thức lớn về sự mai mọt về văn hóa, Ủy ban Nhân dân huyện Nam Trà My đã ban hành Đề án số 02/ĐA-UBND, ngày 11/7/2022 về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Nam Trà My giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Với mục tiêu tổng quát là: Huy động mọi nguồn lực nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng. Bảo tồn, lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc; góp phần đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu và công tác tuyên truyền, giáo dục về truyền thống văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Nâng cao nhận thức, lòng tự tôn, ý thực bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống trong đồng bào các dân tộc huyện Nam Trà My.

Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025: 100% lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc Xê đăng, Cadong, B’hnoong được nghiên cứu, phục dựng, lưu giữ (thông qua tư liệu, hình ảnh, phim…). 30 tổ/nhóm của 10 xã thuộc nghề dệt thổ cẩm đan lát, rèn được hỗ trợ phục dựng, phát triển. 100% thôn có nhà làng truyền thống được bảo tồn theo hướng thích nghi để tổ chức các hoạt động của cộng đồng. Mỗi khu dân cư kiểu mẫu Nông thôn mới được hỗ trợ phục dựng 01 nhà làng truyền thống theo hướng bảo tồn nguyên trạng để lưu giữ các giá trị truyền thống, kết hợp phát triển du lịch tại địa phương. 100% xã được hỗ trợ trang bị trống, chiêng và trang phục để phục vụ các hoạt động văn hóa truyền thống tại địa phương; trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú huyện, Trung học phổ thông và các trường trung học cơ sở các xã  được hỗ trợ trang bị trống, chiêng. Mỗi xã  thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả 01 câu lạc bộ/đội nghệ thuật truyền thống. 100% di sản văn hóa phi vật thể thuộc danh mục đề cử  di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được hỗ trợ bảo tồn, phát huy; tổ chức các hoạt động lễ hội, dân ca, dân vũ gắn với du lịch tại cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Hoàn thành công tác kiểm kê văn hóa các dân tộc thiểu số tại các xã.

Với chiến lược phát triển lâu dài, bền vững, Đề án đã định hướng phát triển, mở rộng đến năm 2030 và gắn chặt với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện. Quan trọng nhất là việc đầu tư kinh phí phục dựng 03 làng văn hóa truyền thống đặc trưng của 03 dân tộc: Xêđăng, Cadong, B’hnoong phục vụ phát triển du lịch. Trong đó, hỗ trợ qui hoạch chi tiết 02 làng văn hóa của dân tộc Xêđăng ở Trà Linh và Làng văn hóa của dân tộc Cadong ở Tăk Lang  xã Trà Don. Hỗ trợ xây dựng mới 02 nhà làng truyền thống tại Làng Mô Chai thôn 1 xã Trà Linh, làng Tăk Lang thôn 1xã Trà Don. Hỗ trợ sửa chữa 31 nhà dân tại làng văn hóa Mô Chai bị xuống cấp, hư hỏng trở thành nhà có kiến trúc nhà sàn truyền thống. Hỗ trợ các xã phục dựng 01 nhà làng truyền thống của dân tộc mình theo hướng bảo tồn nguyên trạng. Trong đó: xã Trà Linh, Trà Cang,Trà Nam phục dựng 03 nhà làng truyền thống dân tộc Xê đăng; xã Trà Vinh, Trà Vân, Trà Don, Trà Mai, Trà Tập, Trà Dơn xây dựng 06 nhà làng truyền thống dân tộc Cadong, xã Trà Leng xây dựng 01 nhà làng truyền thống dân tộc B’hnoong và nhiều nội dung, hạn mục từ việc phục dựng cơ sở vật chất, đến các hoạt động văn hóa, nhằm tạo nền tảng vững chắc cho việc bảo tồn nguyên vẹn các giá trị văn hóa của đồng báo các dân tộc thiểu số huyện gắn với phát triển các dự án, công trình, mô hình đúng như hình ảnh nguyên thủy của nó. Tổng kinh phí thực hiện là 33.470.000 (Ba mươi ba tỷ, bốn trăm bảy mươi triệu đồng y). Với Đề án này, sẽ góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My, tạo động lực thúc đẩy huyện Nam Trà My vươn lên phát triển nhanh, bền vững.



Tác giả: Sông Tranh


[Trở về]

Các tin mới hơn:

Các tin cũ hơn: