Trên bước đường vạn dặm tìm chân lý giải phóng đất nước, Bác Hồ dừng chân đầu tiên trên đất Pháp. Tại đây, năm 1917, Người đã có những cuộc tiếp xúc với các tổ chức công đoàn phái tả ở thủ đô Pa-ri của nước Pháp.
Năm 1919, Người gia nhập Công đoàn Kim khí Quận 17 Pa-ri (Pháp), là người Việt Nam đầu tiên trở thành đoàn viên công đoàn.
Tháng 7/1923, tại Mat-xcơ-va, Người viết thư gửi Trung ương Đảng Cộng sản Pháp, nêu lên 8 yêu cầu cụ thể, trong đó yêu cầu thứ 8 là: "Tổ chức những nghiệp đoàn hoặc thành lập các nhóm tương tự ở các thuộc địa".
Báo "Đời sống công nhân" (La vie ouvrière) số ra ngày 09/11/1923, có đăng bài "Phong trào công nhân" của Nguyễn Ái Quốc nói về tình hình công nhân và phong trào đấu tranh của các tổ chức công đoàn ở Trung Quốc. Bài báo nhấn mạnh 9 yêu sách của giai cấp công nhân có tổ chức của Trung Quốc, trong đó yêu sách thứ hai là: "Quyền tổ chức các công đoàn và các cuộc đình công".
Tháng 7/1924, Nguyễn Ái Quốc là đại biểu duy nhất của Việt Nam tham dự Đại hội 3 Quốc tế Công hội Đỏ họp ở Mat-xcơ-va.
Những năm 1925 - 1927, Nguyễn Ái Quốc là người truyền bá tư tưởng và nội dung hoạt động của các tổ chức công đoàn, đặt nền móng cho việc hình thành tổ chức công đoàn ở nước ta.
Trong tác phẩm "Đường kách mệnh", Người dành một phần quan trọng để bàn luận về 'Cách tổ chức công hội". Người xác định: "Tổ chức công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là, để nghiên cứu với nhau; ba là, để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là, để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là, để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới".
Cũng trong thời gian này, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Người mở lớp huấn luyện cho cán bộ tiền bối của Đảng về sự cần thiết phải thành lập công hội cách mạng. Việc thành lập Công hội Đỏ Bắc Kỳ, ngày 28/7/1929, là sự kế thừa truyền thống Công hội Đỏ ở Sài Gòn do người công nhân ưu tú Tôn Đức Thắng sáng lập, là kết quả tất yếu của sự truyền bá lý luận và những tư tưởng đúng đắn về công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam.
“Bài ca công nhân" của Nguyễn Ái Quốc có tác dụng giác ngộ giai cấp công nhân đứng dậy đấu tranh cách mạng để cứu nước và cứu mình:
"Thợ thuyền ta phải đứng ra,/ Trước ta cứu nước, sau ta cứu mình…"
Trên báo Cứu Quốc, số 390, ngày 29/10/1946, có đăng bài nói của Bác Hồ về nhiệm vụ và quyền lợi của Công đoàn Việt Nam, Người nhấn mạnh:
"1. Ở thế giới, công nhân nước nào có tổ chức mạnh thì được địa vị hơn; nếu tổ chức yếu thì địa vị kém.
2. Các công đoàn Việt Nam phải là một tổ chức đơn giản, vững vàng.
3. Công đoàn có nhiệm vụ giữ gìn quyền lợi cho công nhân và giúp cho Chính phủ trong việc xây dựng đất nước.
4. Chính phủ Việt Nam là một Chính phủ dân chủ, sẽ hết sức giúp đỡ về tinh thần cho công đoàn…".
Trong Thư gửi Đại hội Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khai mạc ngày 01/01/1950, tại Việt Bắc, sau khi xác định 5 nhiệm vụ của Đại hội, Bác Hồ viết: "Trong công việc kháng chiến và kiến quốc, trong sự nghiệp xây dựng nền dân chủ mới, giai cấp công nhân phải là người lãnh đạo. Vì vậy, mỗi nam, nữ công nhân phải cố gắng học hỏi, tiến bộ, phải cố gắng xung phong làm kiểu mẫu trong mọi việc để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của giai cấp mình".
Bác Hồ đến thăm và nói chuyện với cán bộ, công nhân tại khu mỏ Quảng Ninh - Tháng 2.1965. (Ảnh TL, TNN st)
Tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ hai (02/1961), Bác Hồ đến dự và có bài nói với chủ đề "Làm người chủ nước nhà". Bác nói: "Suốt bao năm trường, Đảng ta cùng quân và dân đã anh dũng hy sinh chiến đấu, đánh đổ thực dân, phong kiến, để giành lại cho nhân dân lao động cái quyền làm chủ nước nhà. Vậy ngày nay, tất cả những người lao động - lao động chân tay và lao động trí óc - đều phải nhận thật rõ: mình là người chủ nước nhà. Đã có quyền làm chủ thì phải làm trọn nghĩa vụ của người chủ. Nghĩa vụ đó là: cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhằm mục đích không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động. Muốn đạt mục đích ấy, thì phải thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ và thực hành tiết kiệm…".
Đến thăm Nhà máy Cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng), ngày 16/3/1961, Bác căn dặn: "Phong trào ở đây đương phát triển tốt… Nhưng không nên chỉ bốc lên từng lúc, mà phải bền bĩ, liên tục. Muốn thế, phải luôn luôn cải tiến, phải thực hiện tốt chế độ quản lý dân chủ của Đảng… Đó là công nhân tham gia quản lý xí nghiệp".
Ngày 09/12/1961, khi nói chuyện với cán bộ và công nhân Nhà máy cơ khí Vinh, Bác Hồ ân cần chỉ bảo: "Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, phải làm thế nào xứng đáng là lãnh đạo để người ta tin cậy. Nếu ta sản xuất xấu, chẳng những mất công, tốn nguyên liệu mà lại mất cả uy tín nữa…".
Tại Hội nghị cán bộ công đoàn cơ sở toàn miền Bắc, ngày 13/8/1962, Bác Hồ vừa biểu dương những công đoàn mạnh, những cán bộ công đoàn tốt, vừa nghiêm khắc phê phán những công đoàn đã mắc nhiều khuyết điểm.
Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, và trên 24 năm với cương vị là Chủ tịch nước, Bác Hồ luôn quan tâm đến phong trào công nhân và hoạt động công đoàn. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn cần nghiêm túc làm theo những lời dạy của Người, ra sức vận động công nhân viên chức, lao động đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.